Ngôi nhà tọa lạc tại số 10/3, 11/3, 12/3, 13/3 đường Huỳnh Châu Sổ, hẻm 3, khu phố 1, thị trấn Bến Lức, phía sau đình thần Long Phú. Nhà được xây cất theo kiểu xuyên trính, ba gian hai chái, kết cấu khung sườn bằng gỗ, cột tròn đặt trên tán đá xanh. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, nền lát gạch tàu màu đỏ, vách ván bổ kho[1]. Bên trong nhà bố cục theo kiểu “ngoại khách nội tự”, gian thờ cúng và gian tiếp khách phía trước, gian buồng phía sau, được phân biệt với nhau bằng tấm vách lụa[2]. Phía sau nhà có khoảng sân rộng trồng các loại cây ăn trái như xoài, lê ki ma, chuối già… ở góc sân có hòn non bộ. Phía sau khoảng sân là nhà bếp khá rộng. Cách bố trí vật dụng sinh hoạt trong nhà được tuân thủ theo phong cách nhà truyền thống Nam bộ. Ngoài các hiện vật cùng thời như tủ thờ, tủ áo, bàn ghế… hiện ngôi nhà vẫn còn lưu giữ được tấm hoành phi “Trung hiếu” và một họa tiết trang trí vốn là hiện vật gốc rất có giá trị. Ngôi nhà thời niên thiếu là một trong những điểm di tích quan trọng, gắn liền với thời thơ ấu của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nên đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An tiến hành hoàn thiện hồ sơ phục hồi. Khi khánh thành đưa vào phục vụ, điểm di tích này sẽ đáp ứng được nhu cầu tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử nhất là các yếu tố truyền thống về kết cấu kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, bố cục trang trí - về một kiểu thức nhà ở dân dụng điển hình của tầng lớp trung lưu ở Nam Bộ vào cuối TK XIX đầu thế kỷ XX một cách trực quan, sinh động.
Hoành phi Trung Hiếu – hiện vật gốc của ngôi nhà thời niên thiếu Ls. Nguyễn Hữu Thọ, ảnh Hồ Phan Mộng Tuyền
Điểm di tích thứ hai là Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đây là công trình tôn tạo có diện tích 10.000m2, gồm các hạng mục như nhà tưởng niệm, khối phòng họp - khu trưng bày - thư viện, khu công viên cây xanh, thảm cỏ, nơi trồng cây lưu niệm và các hạng mục phụ trợ khác. …
Đền tưởng niệm là nơi thể hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ đến Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Không gian được thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa phương Nam, toát lên sự tôn nghiêm với những màu thâm trầm làm chủ đạo như nâu, vàng kem, màu gỗ và màu của những bức sơn mài, hoành phi câu đối được sơn son thiếp vàng. Tượng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với chất liệu đồng được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm trong đền cùng với hai bàn thờ được chạm trổ công phu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh Long An tham quan khu lưu niệm
Ls. Nguyễn Hữu Thọ, ảnh Văn Ngọc Bích
Đền thờ luật sư Nguyễn Hữu Thọ dùng nhiều hình tượng rồng theo đúng truyền thống văn hoá, tâm linh người Việt. Rồng là con vật tượng trưng cho sự cao quý, đáng tôn vinh, là con vật đứng đầu trong tứ linh. Ngoài các hình tượng rồng được thể hiện cụ thể, rõ ràng, các đồ án hoá long được sử dụng khá nhiều trong các mảng chạm khắc trang trí như Mây hoá long, Mai hoá long, Cúc hoá long, Lan hoá long, đặc biệt là Tre trúc hoá long, … với ngụ ý: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là bậc quân tử, sống ngay thẳng không khuất phục trước cường quyền và danh lợi, có cốt cách và lối sống thanh sạch, giản dị. Ông là vị chủ tịch lãnh đạo đất nước qua những năm tháng phục hồi kinh tế, văn hóa sau chiến tranh, đưa đất nước ta tới sự ổn định về chính trị và phát triển ngày hôm nay, một tấm gương sáng ngời cho hậu thế noi theo
Không gian trưng bày tại Khu lưu niệm gồm có hai phần: phần một giới thiệu sơ lược về tỉnh Long An, Thành phố Tân An; phần hai giới thiệu về huyện Bến Lức xưa – quê hương Luật sư Nguễn Hữu Thọ. Với những hiện vật, hình ảnh tư liệu, bản đồ, tranh, mô hình, biểu bảng… một không gian về Tân An, Bến Lức xưa được tái hiện một cách sinh động. Khách tham quan sẽ có trải nghiệm thú vị và biết thêm một Bến Lức những năm 60 - 70 của thế kỷ 20 cũng như những địa điểm gắn liền với tuổi thơ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ như dòng sông An Thạnh, ngôi nhà Luật sư sống lúc nhỏ, khu mộ song thân và ông bà nội Luật sư….
Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu trên, di tích Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử theo Quyết định số 2244/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2015. Đây là một trong những điểm tham quan thú vị khi du khách đặt chân đến vùng đất Bến Lức yên bình..
[1] Ván gỗ đóng theo chiều ngang.
[2] Vách gỗ đóng theo chiều dọc.