Buổi đầu, ngôi đình được dựng lên với vật liệu thô sơ bằng cây lá. Sau một thời gian, ngôi đình bị nước làm xói mòn nên dân làng dời lên mảnh đất ở ấp Tân Xuân. Về sau, có người họ Phạm ở Tân Kim hiến khu đất để dựng đình và tọa lạc cho đến ngày nay.
Đình Chánh Tân Kim là một quần thể gồm 3 ngôi nhà kế nhau theo lối Tứ trụ nối tiếp nhau theo thứ tự võ ca đến chánh điện và phía sau là nhà tiền vãng. Đình đã trải qua trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ được một phần hiện vật có từ thuở ban đầu.
Ngày 16-17/1 âm lịch hàng năm trong dịp lễ cúng Kỳ Yên ngoài mâm xôi cúng tiền hiền họ Mai- người có công khẩn đất lập làng còn có mâm xôi cúng họ Phạm- người có công hiến đất cho đình. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngôi đình là nơi che chở cán bộ bí mật, là địa điểm trung tâm trong hội họp, truyền đạt giao nhận mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên và là đầu mối giao lưu liên lạc từ đây tỏa đi các nơi Rừng Sát, Vườn Thơm, Sài Gòn.
Đình Chánh Tân Kim là di tích lịch sử gắn liền với việc đi khai hoang mở đất, lập làng của ông tiền hiền họ Mai (Mai Văn Giã) từ miền Trung vào tận miền đồng bằng Sông Cửu Long và cũng là nơi lưu dấu cơ sở hoạt động cách mạng đáng tin cậy trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Với những giá trị lịch sử đó, Đình Chánh Tân Kim được Ủy Ban nhân dân tỉnh Long An công nhận di tích cấp tỉnh tại Quyết định số: 400/QĐ.UB ngày 22 tháng 02 năm 1997.