Theo giải nghĩa của đạo Cao Đài thì Thánh Thất có nghĩa là nhà thờ Đức Chí Tôn (Đấng Cao Đài) và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Hay còn gọi là ngôi nhà của chư Thánh.
Kiến trúc độc đáo
Tại mỗi Tộc đạo (Họ đạo) đều phải xây dựng một Thánh Thất để làm đền thờ Đức Chí Tôn, và làm nơi tín ngưỡng cho bổn đạo địa phương. Phía sau Thánh Thất là một tòa nhà gọi là Thiên Phong đường có nghĩa là ngôi nhà của chư Chức sắc Thiên Phong, nơi đây có lập bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ chung, và làm văn phòng cho Đầu Tộc đạo nam nữ là những vị Chức sắc Cao Đài nam nữ được Hội Thánh Cao Đài bổ nhiệm về cai quản tín đồ và các công việc của Đạo trong một Tộc đạo Cao Đài, và Chức việc Bàn Trị Sự. Hai bên Thiên Phong đường là Đông lang và Tây lang dùng làm nơi sinh hoạt cho các ban bộ và tín đồ.
Thánh Thất được xây cất theo kiểu mẫu của Tòa Thánh Tây Ninh, nhưng nhỏ hơn và đơn giản hơn.
Thánh Thất được xây cất theo kiểu mẫu của Tòa Thánh Tây Ninh
Ban Kiến Trúc tại Tòa Thánh có lập sẵn các họa đồ xây cất Thánh Thất theo 6 mẫu: mẫu số 2 (lớn nhứt), mẫu số 3 và mẫu số 4 (trung bình), mẫu số 5 và 6 (nhỏ nhất).
Nhìn từ xa
Tộc đạo Cao Đài nào muốn xây dựng Thánh Thất thì trước hết phải xin phép Chính quyền địa phương. Sau đó lên Tòa Thánh, đến Ban Kiến Trúc lựa chọn mẫu họa đồ nào thích hợp với diện tích đất của Tộc đạo, đồng thời xin Hội Thánh cho công thợ chuyên môn xuống địa phương xây dựng, và trang trí cho đúng theo quy cách thống nhất mà Hội Thánh quy định.