Là ngôi đình làng được xây dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, có tên gọi theo tên thôn Xuân Sanh từ thuở khai hoang mở đất.
Đình Xuân Sanh không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, hội họp, lễ hội của dân làng, đình còn là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đình Xuân Sanh có lối kiến trúc gồm 3 gian nhà nối tiếp nhau theo thứ tự: võ ca, chánh điện và nhà bếp. Ngoài ra, trước sân đình là bàn thờ Thần Nông và miếu thờ Thần Hổ, được xây dựng cùng thời với việc lập đình.
Hiện nay, đình Xuân Sanh còn lưu giữ hai sắc phong thần của vua Thiệu Trị năm 1845 và vua Tự Đức năm 1852. Những sắc phong này thể hiện sự quản lý của Nhà nước phong kiến đối với thiết chế văn hóa và bộ máy quản trị làng, xã. Qua đó, sắc phong còn là minh chứng cho sự tồn tại của đình trong suốt 2 thế kỷ qua. Đình Xuân Sanh được Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2749/QĐ-UBND, ngày 30/10/2007.