Là một trong những ngôi đình cổ ở Long An, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, đình Khánh Hậu không chỉ là nơi ghi dấu quá trình khai hoang, mở đất, lập làng của ông cha ta trên vùng đất phương Nam, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương, đình còn là địa điểm hoạt động của lực lượng Thanh niên Tiền phong ở Tân An trong cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945. Như bao ngôi đình làng khác trên vùng đất Nam Bộ, vị thần được thờ chính trong đình Khánh Hậu là thần Thành hoàng bổn cảnh. Tên đình có sự thay đổi gắn liền với tên làng, xã. Từ khi thành lập đến trước năm 1917, đình thuộc làng Tường Khánh nên gọi là đình Tường Khánh. Sau năm 1917, thôn Tường Khánh và Nhơn Hậu xác nhập lại thành làng Khánh Hậu, đình có tên Khánh Hậu từ đó đến nay.
Hiện nay, đình còn lưu giữ 6 sắc thần của vua Thiệu Trị và Tự Đức phong tặng cho làng Tường Khánh. Sắc được viết trên giấy kim tiền, màu vàng có hình rồng, mây (long - vân), đây là những hiện vật quý có giá trị về mặt lịch sử, nghiên cứu văn hóa và cổ văn Hán tự.
Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, Đình Khánh Hậu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 3512/QĐ-UBND, ngày 02/12/2010.