Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại khu vực Cống Bần quân dân và du kích đã tiêu diệt hai tên Quận trưởng ác ôn trừ hại cho dân.
Năm 1962, địch thường xuyên đi lên xuống đoạn Cống Bần làm ấp chiến lược. Sau nhiều tháng nghiên cứu qui luật đi lại của địch và qua mật báo của đồng chí Phan Văn Xa ta quyết định phục kích tên quận Trưởng. Khoảng 8 giờ ngày 16/1/1962, Quận trưởng Trương Hòa Minh đi trên một chiếc xe Jeep đi từ Tân Trụ tới Tân An để họp đi ngang qua đoạn Cống Bần, đặc công cho nổ mìn sớm (chủ yếu là mìn do ta tự tạo), không theo kế hoạch nên chỉ làm lật xe. Quận trưởng Minh bị gãy tay, cố vùng chạy được khoảng vài chục mét thì bị ta tiêu diệt. Còn tài xế Xa, khi xe lật anh nhảy sang bên trái nhưng chẳng may bị trúng đạn hy sinh trong lúc tình hình náo loạn. Kết quả trận đánh, ta tiêu diệt được Quận trưởng Trương Hòa Minh và hai lính bảo an, thu ba súng.
Sau khi Trương Hòa Minh chết, địch đưa tên Đỗ Kiến Gấm lên làm Quận trưởng, đưa tên Hên làm Tổng đoàn trưởng dân vệ. Tháng 4/1963, sau khi nắm chắc quy luật lên xuống đoạn Cống Bần hàng ngày của Quận Gấm và Tổng Hên, chi bộ Bình Tịnh xây dựng kế hoạch đánh địch và trình Huyện ủy. Sau khi được Huyện ủy đồng ý, vào đêm tháng 4/1963, du kích xã gồm sáu người chia làm hai tổ phụ trách đặt mìn và ngồi gác hai đầu đoạn Cống Bần chuẩn bị sẵn sàng trận địa. Sáng hôm sau, khi xe của Quận Gấm và Tổng Hên chạy tới vị trí quy định kí hiệu (tại ngôi nhà ông Tám Hào, hiện nay là ngôi nhà ông Mười Ù), đặc công huyện chuyền dây xuống mô - nơi du kích xã ẩn nấp hai bên Cống Bần để châm điện cho mìn nổ. Xe địch nổ tung, ta diệt được tên Quận Gấm, Tổng Hên và một số lính bảo an. Bên ta không bị tổn thất gì.
Khu vực Cống Bần là biểu tượng của sự sáng tạo độc đáo trong chiến tranh du kích đóng góp vào kho tàng kinh nghiệm đánh giặc của nhân dân ta.
Với những giá trị tiêu biểu ấy, Khu vực Cống Bần đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 4075/QĐ-UBND, ngày 22/11/2013.