TẬP HUẤN CHUYÊN ĐỀ "QUẢN LÝ ĐIỂM ĐẾN VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH” NĂM 2023

Ngày 30/5, tại Hội trường Ủy ban nhân dân Thành phố Tân An, Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Long An đã phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương TP Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp tập huấn về quản lý điểm đến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Lớp tập huấn diễn ra trong 2 ngày, từ 30 đến 31/5/2023.

Với số lượng hơn 100 học viên gồm lãnh đạo, viên chức Phòng Văn hóa – Thông tin, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP, các hộ dân có dự định phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh…

Phát biểu khai mạc tập huấn, bà Đỗ Thị Kim Dung - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch nhấn mạnh việc tổ chức lớp tập huấn này là rất quan trọng và cần thiết, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp trong ngành du lịch trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh và phục vụ khách du lịch, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch và tạo dựng hình ảnh đặc thù.

Tại lớp tập huấn, các học viên được PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), phổ biến các kiến thức cơ bản về du lịch nông nghiệp, nông thôn; các loại hình và dịch vụ của du lịch nông thôn; kiến thức về xây dựng Bộ sản phẩm OCOP, giá trị nâng cao dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch địa phương.

Đến tham dự buổi tập huấn còn sự hiện diện của ThS. Phạm Xuân An – Giảng viên Khoa Du lịch và Ẩm thực trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Với vai trò là một Chuyên gia cố vấn khai thác dự án du lịch cộng đồng, Th.S Phạm Xuân An đã chuyển tải kiến thức để phát triển ẩm thực truyền thống với nét đẹp văn hóa, câu chuyện liên quan đến ẩm thực để tăng thêm hấp dẫn cho điểm đến.

Thông qua lớp tập huấn, các học viên nắm rõ hơn về vai trò cũng như cách thức quản lý điểm đến hiệu quả và các kỹ năng để giao tiếp, ứng xử với khách du lịch. Qua đó, học viên sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh nhà, thúc đẩy giải pháp phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy giá trị văn hoá truyền thống.

Để hiểu rõ hơn về lớp học, chúng tôi xin giới thiệu bài giảng của PGS.TS Phạm Hồng Long thông qua mã quét QR (bên dưới)

Tin-bài: Anh Thư