Về Mỹ Lệ, Cần Đước, Long An nghe tiếng đờn ca tài tử (ĐCTT) du dương, thưởng thức những đặc sản địa phương, du khách sẽ vơi đi những lo toan trong cuộc sống thường ngày.
Vùng đất Mỹ Lệ, huyện Cần Đước không những được biết đến với đặc sản gạo Nàng Thơm Chợ Đào, bánh phồng, làm bún, hủ tíu, làm lò đất,... mà còn là nơi nhạc sư Nguyễn Quang Đại từng dừng chân dạy nhạc, khai sáng dòng nhạc lễ, ĐCTT Nam bộ. Hàng năm, đình Vạn Phước (nơi đặt linh vị và tổ chức lễ giỗ nghệ nhân) được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan ĐCTT Nam bộ với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, tài tử và du khách nhiều nơi.
Mỹ Lệ còn có dòng sông Rạch Đào thơ mộng gắn liền với huyền thoại khúc Nam Ai đưa tiễn người con gái tham gia kháng chiến của cố nghệ nhân Tư Bền (ngón đàn tranh nổi tiếng của đất Cần Đước), quê hương của nhạc sư Hai Biểu, nghệ nhân Bảy Quế, ông bầu cải lương Năm Vui,... Tất cả những nét văn hóa độc đáo ấy chính là tiềm năng, lợi thế để quảng bá, phát triển du lịch của địa phương.
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào - một trong những đặc sản nổi tiếng của Mỹ Lệ (Ảnh tư liệu)
Ông Nguyễn Văn Mến (ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ) chia sẻ: Người dân Mỹ Lệ mong muốn có thể phát huy giá trị ĐCTT, gìn giữ làng nghề truyền thống và được tiếp đón du khách phương xa đến tham quan, tìm hiểu quá trình làm ra sản phẩm để quảng bá, giới thiệu về vùng đất hiền hòa, hiếu khách này. Hệ thống giao thông trên địa bàn khá thuận lợi, dễ dàng kết nối với TP.HCM và Tiền Giang. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là việc tổ chức tour để du khách vừa tham quan, vừa được trải nghiệm các công đoạn làm bánh phồng, hủ tíu và tự tay nướng, thưởng thức bánh phồng bằng lửa rơm, tô hủ tíu thơm ngon hay ăn bữa cơm nấu từ gạo Nàng Thơm Chợ Đào với cá bống kèo kho tộ,...
Có gì thú vị hơn, trong một buổi sáng hơi sương còn đọng trên cành cây, ngọn cỏ, được ngồi trên chiếc xuồng xuôi dòng Rạch Đào, nghe câu chuyện về 3 cô gái trẻ: Mỹ - Hoa - Lan vừa tuổi trăng tròn, nắm tay nhau bước vào cuộc kháng chiến. Mỗi người hy sinh, để lại những câu chuyện rất cảm động và đầy tự hào cho quê hương.
Cũng từ câu chuyện của 3 cô gái, biết bao bài bản tài tử được sáng tác. Và trong làn gió mát của dòng sông Rạch Đào, thoang thoảng hương lúa Nàng Thơm Chợ Đào, nghe tiếng đờn tài tử bổng trầm khiến du khách vơi đi bao lo toan, mệt nhọc của cuộc sống để tận hưởng khoảnh khắc yên bình.
Khi rời vùng quê này, du khách sẽ mang theo chiếc bánh phồng, gói hủ tíu, hũ mắm còng, mắm tôm, những túi rau xanh vừa hái và những đoạn phim ngắn với câu vọng cổ vừa học được do bạn bè ghi lại. Đó sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ của du khách.
Về Mỹ Lệ, nghe tiếng đờn ca bổng trầm để vơi đi những lo toan trong cuộc sống (Ảnh tư liệu)
Ngoài ra, Mỹ Lệ còn có Di tích lịch sử Đền thờ Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến, khi kết nối với Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia chùa Phước Lâm (xã Tân Lân); Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã tư Rạch Kiến (xã Long Hòa) và nhiều di tích lịch sử văn hóa trong khu vực sẽ tạo nên những chuyến tham quan về nguồn thú vị, ý nghĩa.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lệ - Nguyễn Thị Trinh thông tin: “Hiện nay, việc khai thác tiềm năng du lịch của địa phương còn nhiều khó khăn. Người dân chưa quen với việc làm du lịch, kinh phí đầu tư để tạo ra những sản phẩm du lịch còn hạn chế,... Tuy có những khó khăn nhưng với mục tiêu phát triển du lịch để khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Mỹ Lệ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm kế tiếp đã xác định: Phát triển văn hóa là hướng đi mang tính đột phá góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Chủ trương này tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Thời gian tới, địa phương quan tâm, hỗ trợ, định hướng phát triển du lịch, phát huy những giá trị văn hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống người dân”./.