Năm 2021 là một năm kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An niềm vui tết lớn đang hiện hữu. Những gốc mai vàng theo thương lái đi khắp mọi miền, giúp danh tiếng làng nghề trồng mai Tân Tây ngày một vang xa.
Theo chân Chủ nhiệm làng nghề trồng mai Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng, chúng tôi vào thăm làng trồng mai nổi tiếng nhất khu vực miền Nam để tận mắt nhìn thấy những cội mai vàng quý như vàng.
Làng mai tiền tỉ
Đường vào làng nghề trồng mai Tân Tây (làng mai) chạy giữa những ruộng mai thẳng tắp. Mai có mặt khắp nơi: Trên ruộng, trước ngõ, quanh nhà,... Cây lớn đã bứng gốc để sẵn trong sân chờ thương lái. Cây nhỏ quanh nhà được hái lá từ trước, giờ đơm đầy búp. Hàng hàng, lớp lớp mai trên ruộng thì tươi tốt, xanh um.
Mai ở làng mai Tân Tây rất sai hoa, hoa mọc từng chùm
Chỉ một gốc mai bên ngõ nhà, có đường kính khoảng hơn bắp chân người lớn, ông Hoàng nói: “Cây này có người mua 200 triệu đồng nhưng tôi chưa muốn bán. Trong làng nghề này còn 4 cây mai có giá tiền tỉ”.
Chuyện những gốc mai có giá hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng không còn lạ ở làng mai Tân Tây bởi cây mai trong làng nghề mang những nét đặc trưng: Dáng đẹp, gốc to, da vàng rực,... được giới sành chơi cây cảnh đánh giá cao.
Theo ông Hoàng, điều đó nhờ vào thổ nhưỡng thuận lợi và sự chăm chút của người trồng từ khi cây còn nhỏ. Ông kể: “Ở đây, người ta chỉ trồng và bán mai đế (mai được chú trọng uốn cho gốc có dáng đẹp - PV) nên từ khi cây còn nhỏ đã được uốn, tạo dáng. Cây mai dáng đẹp hay không một phần cũng tùy thuộc vào tay nghề và kinh nghiệm của người uốn cây.
Mai đế quan trọng là thế của gốc mai và bộ rễ, còn cành lá sau khi mua về có thể uốn, tỉa sau. Đất này trồng được cây mai có gốc vàng rực, không nơi nào có được. Cây lại nhanh lớn, sau khoảng 3 năm, gốc mai có thể to bằng cổ tay, cổ chân người lớn, ra thế rất đẹp. Mai ở đây rất sai hoa, hoa mọc từng chùm, nở rộ nhìn đẹp lắm! Nhờ vậy mới bán được giá cao”.
Cây mai 3 năm tuổi, có giá khoảng 10 triệu đồng trên ruộng mai của nông dân
Năm 2021, dịch bệnh hoành hành, thương lái đến thu mua mai không nhiều như các năm trước nên người trồng mai dự đoán Tết Nhâm Dần năm 2022 sẽ hạn chế đầu ra, không ai dám đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, càng gần tết, giá mai càng lên cao khiến người trồng mai vui rộn rã.
Ông Trần Văn Ơi (ấp 3, xã Tân Tây) - nông dân trồng mai, cho biết, gia đình ông vừa bán 150 gốc mai, thu vào hơn 300 triệu đồng. Ông hồ hởi nói: “Tôi trồng được khoảng 5.000 gốc mai từ 1 - 5 năm tuổi. Vừa rồi, tôi bán một ít gốc để ăn tết, phần còn lại tiếp tục dưỡng để nâng giá trị. Trong vườn nhà cũng có được mấy chục gốc có giá từ 10 - 100 triệu đồng/gốc”.
Tết này, làng mai Tân Tây hầu như ai cũng có nguồn thu kha khá từ mai. Những cội mai Tân Tây theo thương lái đi mọi miền, góp phần lan tỏa danh tiếng của một làng mai giữa Đồng Tháp Mười.
Kỳ vọng một tiềm năng
Làng nghề trồng mai ở Tân Tây được công nhận làng nghề vào năm 2020. Được biết, hiện tại, làng mai có 526 hộ trồng mai với 337ha, chủ yếu tại ấp 3 và ấp 4, xã Tân Tây. Từ khi được công nhận làng nghề, người dân trong làng mai luôn ý thức việc quảng bá và giữ gìn thương hiệu. 2 tấm biển lớn với dòng chữ Làng nghề trồng mai xã Tân Tây đặt trên Quốc lộ 62 đã thu hút được sự chú ý của nhiều người.
Tấm biển lớn với dòng chữ Làng nghề trồng mai xã Tân Tây đặt trên Quốc lộ 62 đã thu hút được sự chú ý của nhiều người
Từ khi 2 tấm biển lớn được dựng lên, ông Hoàng tiếp khách nhiều hơn hẳn vì số người muốn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tăng lên. Từ đó, định hướng phát triển du lịch nhằm giới thiệu hình ảnh làng mai đến với du khách gần xa được những nông dân chân chất ở làng mai nhen nhóm và ấp ủ.
Ông Hoàng kể, hiện làng mai đã xây dựng thành công tổ hợp tác với 60 thành viên, cùng liên kết, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, đầu ra và định hướng phát triển du lịch miệt vườn về với làng mai. Ngồi trong căn chòi nhỏ giữa vườn mai lộng gió, ông Hoàng say sưa nói về những dự định du lịch của mình: “Khách đến sẽ có xe lôi đưa vào tận vườn. Mấy căn chòi mát được cất trên mặt nước sẽ rất lý tưởng cho việc nghỉ ngơi, ăn, uống và nghe đờn ca tài tử.
Ở đây, chúng tôi đã nắm vững kỹ thuật, có thể xử lý mai ra hoa quanh năm nên nếu làm du lịch thì cam kết lúc nào trong vườn mai cũng sẽ có vài cây mai trổ bông rực rỡ cho khách tham quan, chụp ảnh. Được ngồi hóng mát, uống ly trà, nghe tài tử bên mấy cội mai tiền tỉ nở vàng cũng thú vị lắm!”.
Không chỉ có tiềm năng về du lịch miệt vườn, làng mai Tân Tây còn có riêng một câu chuyện về người khai mở làng mai làm nền tảng thu hút khách. Đó là chuyện về một chàng trai hiền lành, giỏi giang và muốn làm giàu trên chính quê hương mình.
Tân Tây mấy chục năm về trước chỉ trồng được tràm và lúa, giá trị kinh tế thấp. Lúc đó, anh Trần Văn Thống đi học nghề trồng hoa, kiểng ở Bến Tre và học được nghề trồng mai. Những gốc mai đầu tiên được anh trồng quanh nhà, rồi mở rộng trên khoảng đất vốn trồng tràm của gia đình.
Ban đầu, nhiều người nghi ngờ hướng đi của anh, nhưng rồi cây mai của vườn anh Thống nhanh chóng khẳng định giá trị. Người dân trong vùng lần lượt nối bước anh. Là người đi trước, anh Thống nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ mọi người về kỹ thuật, cây giống với hy vọng có thể giúp nông dân đổi đời trên chính mảnh đất quê hương mình.
Trong lòng người dân làng mai, anh Thống (đã mất) như một người khai mở làng nghề, đem mai về với Tân Tây, đem ấm no, sung túc về cho nông dân trong vùng.
Có những tiềm năng phát triển du lịch cùng câu chuyện người khai mở được xem là một lợi thế của làng mai Tân Tây để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Giữa Đồng Tháp Mười mênh mông tràm và lúa lại mọc lên một làng nghề trồng mai vàng hái ra vàng!./.