Du lịch Việt đầu Xuân mới khởi sắc tưng bừng khắp ba miền

Trong dịp Tết Nguyên Đán, nhiều điểm du lịch trên cả nước đông nghịt khách; hàng loạt cơ sở lưu trú lần đầu tiên "full" phòng sau 2 năm điêu đứng vì đại dịch; không khí du Xuân tưng bừng khắp 3 miền.

Giới trẻ thích thú trải nghiệm làng nghề ở Quảng Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

SaPa, Ðà Lạt, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, An Giang, Tây Ninh... những ngày Tết đông nghịt người và dẫn đầu về lượng khách du Xuân. Thống kê của Tổng cục Du lịch vừa công bố cho thấy, trong 9 ngày lễ, 35 địa phương là các điểm đến du lịch hàng đầu cả nước đã đón khoảng 6,2 triệu lượt khách.

Các chuyên gia cho rằng chính thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài cùng tâm lý an tâm của người dân khi dịch bệnh dần được kiểm soát đã tạo nên một cục diện sôi động và khởi sắc cho ngành du lịch khắp 3 miền những ngày qua.

Miền Bắc nhộn nhịp mừng Xuân

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết từ ngày 31/1-6/2/2022 (tức từ 29 Tết đến mùng 6 tháng Giêng), Thủ đô đã đón hơn 105 nghìn lượt khách, bất chấp việc các điểm di tích, văn hóa trên địa bàn vẫn phải “cửa đóng then cài” và các lễ hội Xuân tạm để phòng chống dịch.

Song, vẫn có một số điểm tham quan du lịch, bảo tàng, công viên được mở cửa đã thu hút đông du khách nội địa. Đơn cử như Vườn quốc gia Ba Vì (từ ngày 31/1-4/2) đón 13.000 lượt khách, Vườn thú Hà Nội đón khoảng 28.000 lượt khách, Công viên Thiên đường Bảo Sơn đón khoảng 15.000 lượt khách, Khu du lịch Tản Đà đón 1.000 lượt người…

Du khách Hà Nội ở phố sách những ngày đầu Xuân. (Ảnh: TTXVN)

Khách du lịch chủ yếu là các gia đình, nhóm bạn bè người Hà Nội đi du Xuân và khách đến từ một số tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Công suất bình quân sử dụng cơ sở lưu trú từ 1-5 sao ước tính đạt hơn 22%, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỉnh Quảng Ninh trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán đã đón trên 40.000 lượt khách du lịch. Trong đó, khu di tích danh thắng Yên Tử đón khoảng 4.000 lượt khách, đền Cửa Ông (Cẩm Phả) đón trên 5.000 lượt khách… Dự kiến, Quảng Ninh sẽ đón 200.000-250.000 lượt khách đến các điểm du lịch, cơ sở dịch vụ trong tháng Hai, tập trung vào các điểm du lịch văn hóa tâm linh và vịnh Hạ Long.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, tỷ lệ đặt phòng ở các khu, điểm du lịch của địa phương và đặc biệt tại SaPa đã thời điểm này đạt khoảng 90% công suất. Trong đó, phân khúc cao cấp (từ 3 sao trở lên) đạt 100% trong các ngày mùng 2-4 Tết; các phân khúc còn lại đạt trên 70%. Ước tính, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Lào Cai đón trên 70.000 lượt khách, tăng khoảng 25.000 lượt khách so với dịp Tết Tân Sửu 2021.

Ngược lên miền núi phía Đông Bắc, các điểm đến ở tỉnh Hà Giang cũng được nhiều du khách lựa chọn tham quan như Dinh Thự nhà Vương, phố cổ Đồng Văn (huyện Đồng Văn), Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc), Mã Pí Lèng hay đi thuyền ngắm cảnh hẻm Tu Sản trên dòng sông Nho Quế, Cột cờ Lũng Cú…

Dòng Ngô Đồng vàng rực đón du khách trong và ngoài nước về tham quan Tam Cốc-Bích Động, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hà Giang ước đón 86.000 lượt khách dịp Tết, tính từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại, Hà Giang đã đón trên 365.000 lượt du khách.

Từ miền Trung đến miền Nam “thắng” lớn

Nhiều khách sạn ở Đà Nẵng, Khánh Hòa lần đầu tiên kín phòng sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tại Đà Nẵng, tổng lượt du khách tham quan, du lịch ước đạt 35.939 lượt, tăng 16,7% so với năm 2021, chủ yếu là khách nội địa (với hơn 25 nghìn lượt khách lưu trú, tập trung tại các khu nghỉ dưỡng ven biển quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn và các khu, điểm du lịch như Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà…).

Trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ ngày 29/1-6/2), có tới 404 chuyến bay đưa du khách đến Đà Nẵng. Trong khi đó, lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng đến Khánh Hòa (từ ngày 31/1-4/2) cũng đạt khoảng hơn 65 nghìn lượt. Tổng lượt khách lưu trú tăng 241,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã báo cáo tổng doanh thu từ các khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ ăn uống, vận chuyển... 7 ngày Tết đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Khách nội địa đạt khoảng 300.000 lượt, mang về doanh thu khoảng 300 tỷ đồng; khách lưu trú ở 500.000 phòng mang về doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng…

Du khách tại Hồ vô cực trong Khu du lịch Đường hầm điêu khắc ở Đà Lạt. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Đại diện các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố nhận định đây là tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch trong thời gian tới. Các đơn vị lữ hành như Vietravel, Saigontourist, TST touris… đều ghi nhận lượng tour khách đoàn khởi hành trong tháng 2-3 tăng mạnh. Saigontourist dự kiến trong quý 1 và quý 2 phục vụ hơn 150 đoàn khách MICE, trong đó có đoàn khách kỷ lục 2.200 người đi Long Hải.

Trong khi đó, Phú Quốc (Kiên Giang) có thể coi là điểm đến “hot” nhất vừa qua. Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc cho hay dịp Tết Nguyên đán vừa qua “đảo ngọc” đã đón 368 chuyến bay tới. Riêng ngày mùng 2 và mùng 3 đón khoảng 60 chuyến bay mỗi ngày. Chỉ 3 ngày đầu năm mới đã có khoảng 80.000 lượt khách đến Kiên Giang du Xuân.

Dự kiến tháng Hai này, Phú Quốc sẽ tiếp tục tăng tốc đón thêm các chuyến bay quốc tế từ Dubai, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Kazakhstan… với bình quân từ 170-200 khách/chuyến.

Với những tín hiệu tích cực đó, ngay tại cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ trong năm mới Nhâm Dần chiều ngày 3/2 (mùng 3 Tết), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chuẩn bị “mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4-1/5 và cố gắng từ 30/3, sau khi cơ bản tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng chỉ định và có quy định kiểm soát xuất nhập cảnh hợp lý.”

Gian cho chữ của ông đồ là điểm yêu thích của khách tham quan. (Nguồn: Vietnam+)

Thủ tướng cũng nhấn mạnh khi chính sách đã ban hành thì phải thực hiện nghiêm túc, thống nhất, nhất quán trên toàn quốc, “không có lý do gì để các địa phương ban hành các quy định trái với quy định chung.”

Ðiều này cho thấy, việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động du lịch đã và đang được thực hiện tốt; cuộc sống bình thường dần trở lại, COVID-19 không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với con người và các hoạt động kinh tế; du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi nhanh chóng./.