Cần Giuộc nắm bắt lợi thế để phát triển du lịch

Cần Giuộc là huyện có bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa với nhiều danh nhân và di tích lịch sử nổi tiếng từng là vùng đất dừng chân của nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy với biệt danh bà Hoàng hậu đỏ hay anh hùng lực lượng vũ trang – liệt sĩ Nguyễn Thái Bình.

Toàn huyện có tất cả 17 di tích bao gồm 2 di tích cấp quốc gia đó là: Di tích lịch sử Chùa Tôn Thạnh (công nhận năm 1997) tại ấp Thanh Ba xã Mỹ Lộc – Ngôi chùa Cổ của Nam Bộ - Nơi ra đời áng văn bất hủ Văn tế Nghĩa dân chết trận Cần Giuộc do đại chí sỹ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác và Di chỉ khảo cổ học Rạch Núi tại ấp Tây xã Đông Thạnh (công nhận ngày 11 tháng 6 năm 1999) – Với bề dày tầng văn hóa 6m chứng minh rằng sự có mặt từ rất sớm của cư dân bản địa trên đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều di vật quý hiếm thuộc thời tiền sử. Có 14 di tích cấp tỉnh, và 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia là Lễ hội vía Bà Ngũ Hành (xã Long Thượng) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào ngày 19/12/2014; hàng năm, thu hút hàng chục ngàn người đến tham quan. Cần Giuộc không chỉ nổi bật về văn hóa lịch sử mà còn là quê hương giàu truyền thống cách mạng. Đánh giá được tiềm năng to lớn này, huyện đang tập trung thực hiện về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn.

Nhằm khai thác tốt các tiềm năng phát triển du lịch, huyện ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết với các địa phương, với các sản phẩm du lịch đặc trưng giới thiệu về đất và con người Cần Giuộc bắt đầu từ di tích lịch sử văn hóa chùa Tôn Thạnh gắn liền với tên tuổi của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, khu lưu niệm Nguyễn Thái Bình, tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nhà lưu niệm Trương Văn Bang, khu di tích lịch sử Cầu Kinh, khu di tích khảo cổ học Rạch Núi, và điểm dừng chân là Cảng Quốc tế Long An. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế, đặc biệt là ngành dịch vụ.

Các sản phẩm du lịch thuộc thế mạnh trên địa bàn huyện đó là du lịch sinh thái sông Soài Rạp, gắn với ẩm thực biển và du ngoạn trên sông, du lịch văn hóa lịch sử. Phát triển các thương hiệu sản phẩm hàng hóa truyền thống đặc trưng nỗi bật của huyện như: cốm ngò, mắm còng, cua lột, lịch củ, cá ngát...

Với những lợi thế của địa phương, cộng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo huyện, hy vọng trong thời gian không xa Cần Giuộc sẽ là một trong những trung tâm du lịch của tỉnh Long An./.